Đa số mọi người, ngay cả những nhà tiếp thị đôi khi cũng bị nhầm lẫn PR thương hiệu với các thuật ngữ liên quan trong marketing (quảng cáo, báo chí…). Vậy PR thương hiệu là gì, có những ý tưởng PR thương hiệu nào hay; mời bạn tiếp tục theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!

PR thương hiệu là gì?

PR là gì?

PR là từ viết tắt của Public Relations, có nghĩa là quan hệ công chúng.

Theo PRSA (Hiệp hội quan hệ công chúng Hoa Kỳ), PR là quá trình giao tiếp có chiến lược nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa một tổ chức và công chúng của họ.

Hiểu một cách đơn giản, PR là quá trình nỗ lực về nhiều mặt (hình ảnh, độ uy tín, chất lượng, con người…) để công chúng và các tổ chức, doanh nghiệp khác có cái nhìn thiện cảm và tốt đẹp nhất về doanh nghiệp bạn.

Về cơ bản, PR là quá trình tác động, thu hút và xây dựng mối quan hệ với các bên liên quan chính trên nhiều nền tảng để định hình nhận thức của công chúng về một tổ chức.

PR bao gồm:

  • Dự đoán, phân tích và giải thích dư luận, thái độ và các vấn đề có thể có tác động tốt/xấu đến hoạt động và kế hoạch của tổ chức.
  • Tư vấn, quản lý tất cả các cấp trong tổ chức về chính sách, hành động và thông tin liên lạc (bao gồm cả thông tin liên lạc về khủng hoảng).
  • Bảo vệ danh tiếng của tổ chức.
  • Nghiên cứu, tiến hành và đánh giá liên tục các chiến dịch truyền thông để công chúng có sự hiểu biết cần thiết đối với hoạt động của doanh nghiệp (tiếp thị tài chính, gây quỹ, quan hệ nhân viên…).
  • Lập kế hoạch tác động hoặc thay đổi chính sách công.
  • Giảm sát việc tạo nội dung để thúc đẩy sự tương tác của khách hàng và tạo ra khách hàng tiềm năng.
  • Thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch, ngân sách, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, phát triển cơ sở vật chất. Nói một cách đơn giản, đây là hoạt động quản lý các nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện tất cả những điều trên.

PR thương hiệu là gì?

PR thương hiệu là hoạt động PR hướng đến mục tiêu duy nhất là đưa những khía cạnh tốt nhất của thương hiệu, sản phẩm thương hiệu đến gần hơn với công chúng, làm cho họ tin tưởng và có cái nhìn thiện cảm về thương hiệu, từ đó dẫn đến quyết định mua hàng.

PR thương hiệu là chiến lược đường dài, không phải hoạt hoạt động mang tính thời điểm. Doanh nghiệp có tuổi đời càng lớn, càng phải thận trọng và có chiến lược PR thương hiệu rõ ràng, chất lượng, không sai sót.

Vai trò của PR thương hiệu

Tạo luồng dư luận mạnh mẽ

PR thương hiệu thành công sẽ mang lại kết quả tốt cho quá trình chuẩn bị và tạo dư luận.

Khi thương hiệu của bạn làm tốt vai trò PR, có nghĩa là thương hiệu đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Do đó, khi chuẩn bị ra mắt một hoạt động/chiến dịch/sự kiện/sản phẩm nào đó, thương hiệu của bạn nhất định sẽ có được sự ủng hộ chủ động từ công chúng, đặc biệt là giới truyền thông và các chuyên gia phân tích trong ngành.

Ví dụ: Khi các thương hiệu lâu năm và có tiếng như HONDA, BITI’S, CHANEL… ra mắt sản phẩm mới hoặc chiến dịch truyền thông mới, đối tượng quan tâm và bàn luận đầu tiên là các chuyên gia và giới truyền thông, báo chí. Chính nhóm đối tượng này đã giúp các nhãn hàng gián tiếp quảng bá và giới thiệu hoạt động/sản phẩm của họ đến với đông đảo công chúng và khách hàng.

Thu hút nhân lực giỏi 

Lao động có xu hướng mong muốn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp tốt, môi trường lành mạnh, đãi ngộ tốt, có cơ hội thăng tiến và phát triển. Hầu hết những tiêu chí trên đều được các công ty thể hiện qua hoạt động PR thương hiệu.

Do đó, nếu doanh nghiệp của bạn thực sự chất lượng, cộng với hoạt động PR thương hiệu hiệu quả, nhất định sẽ thu hút được nhiều nhân lực chất lượng.

Ví dụ: Unilever, Vinamilk, Microsoft Việt Nam, Samsung, Viettel… là nơi đây tập hợp đa số nhân lực chất lượng. Minh chứng là có rất người lao động mong muốn được làm việc. Các ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn gay go mới có thể trở thành thành viên chính thức của các doanh nghiệp này. Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã khiến các công ty này thu hút được lao động chất lượng như vậy? Câu trả lời là: Các doanh nghiệp này có chế độ đãi ngộ rất cao đối với nhân viên, đồng thời làm rất tốt hoạt động PR thương hiệu.

Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với đối tác, thu hút nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng

Các đối tác chất lượng cũng sẽ chỉ hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín. Trong khi đó, uy tín là thứ mà doanh nghiệp không thể tạo dựng được trong “một sớm một chiều” hoặc vài dự án nhỏ lẻ. Nếu đối tác cũ dựa vào mối quan hệ và kết quả dự án để quyết định hợp tác với doanh nghiệp bạn ở những lần tiếp theo thì những tối tác mới, đối tác tiềm năng sẽ dựa vào gì để quyết định hợp tác với bạn? Hoạt động PR thương hiệu tốt sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.

Tương tự, các nhà đầu tư/khách hàng cũng sẽ dựa vào hoạt động PR thương hiệu của doanh nghiệp bạn để quyết định đầu tư/gắn bó lâu dài với doanh nghiệp bạn.

Ý tưởng PR thương hiệu hay

Âm thầm làm việc tốt

Làm từ thiện là công tác mà rất nhiều công ty, doanh nghiệp hiện nay chọn làm một trong những hoạt động PR thương hiệu. Nhưng đa số các công ty đều từ thiện một cách rầm rộ, cố tình thu hút sự chú ý của truyền thông. Việc làm này tưởng chừng là hành động tốt. Nhưng nếu nó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi lần xuất hiện đều mang dáng vẻ rêu rao, rất có thể sẽ mang lại kết quả ngược với mong đợi. Công chúng sẽ tự đặt câu hỏi rằng công ty, tổ chức này liệu có đang thực sự làm tình nguyện hay là ra vẻ để được lòng tin và sự tín nhiệm từ họ. Tuy nhiên, nếu khéo léo và biết cách tận dụng ý tưởng này cho PR thương hiệu, doanh nghiệp của bạn nhất định sẽ thành công.

The Body Shop – Công ty kinh doanh mỹ phẩm nổi tiếng đến từ Anh Quốc là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này đã thành công khi ứng dụng ý tưởng “âm thầm làm việc tốt” trong các chiến dịch PR thương hiệu. Mỗi chi nhánh, cửa hàng của thương hiệu này được khuyến khích làm từ thiện cho cộng đồng địa phương. Trong đó, nhân viên có thể lựa chọn dự án mà họ tham gia và tự quyết định phương thức đóng góp dưới sự trợ giúp của công ty. Bằng cách này, nhân viên của The Body Shop đã cảm thấy họ đang làm việc cho một doanh nghiệp có đạo đức và muốn gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Người dân địa phương cũng biết rằng họ đang nhận sự giúp đỡ chân thanh từ The Body Shop. Do đó, họ sẵn sàng lan truyền rộng rãi những việc tốt mà doanh nghiệp này đã làm cho tổ chức của họ. Đây rõ ràng là một chiến dịch PR thương hiệu một công đôi chuyện, không rủi ro.

Sau đây là những gợi ý mà doanh nghiệp bạn có thể thực hiện nếu muốn sử dụng ý tưởng này cho chiến dịch PR thương hiệu:

  • Để nhân viên chịu trách nhiệm về dự án mà họ muốn.
  • Hỗ trợ nhân viên trong quá trình thực hiện các dự án tình nguyện
  • Đừng công bố việc đang làm cho đến khi công chúng giúp mình công bố.
  • Chấp nhận mất một khoảng thời gian dài để thu lại kết quả.

Tạo hiệu ứng thu hút sự chú ý

Thu hút sự chú ý là ý tưởng không có dấu hiệu lỗi thời. Mục đích là tạo tin đồn, trò hay để thu hút sự chú ý của công chúng và khiến họ bàn tán một khoảng thời gian, từ đó tạo hiệu ứng truyền thông và làm công chúng ấn tượng với thương hiệu. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng không nên vượt ra ngoài chuẩn mực xã hội. Vì nếu điều này xảy ra, ý tưởng sẽ mang lại kết quả không mong muốn.

Sau đây là những gợi ý mà doanh nghiệp bạn có thể thực hiện nếu muốn sử dụng ý tưởng này cho chiến dịch PR thương hiệu:

  • Đảm bảo trò thu hút của doanh nghiệp bạn là hợp pháp, phù hợp với chuẩn mực xã hội.
  • Trò thu hút cũng phải phù hợp với hình tượng của thương hiệu.
  • Đề phòng việc làm giới nhà báo khó chịu.

Để công chúng chờ

Khi có thứ cần quảng cáo, đa số các doanh nghiệp đều thực hiện nó một cách rầm rộ và phô trương. Ý tưởng này đặt ra câu hỏi: Tại sao không để người khác tò mò mà hỏi thay vì phanh phui cho họ biết hết?

Apple đã thành công khi tận dụng rất thành thạo ý tưởng này. Đa số các công ty cố gắng để giữ bí mật trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Nhưng chiến lược PR thương hiệu của Apple đã tiết lộ một phần những bí mật kỹ thuật mà họ đang nắm giữ và im lặng sau đó. Chiến lược này được các chuyên gia nhận xét là “bậc thầy của chiến dịch tiếp thị trêu ghẹo”. Bằng cách này, Apple đã kéo dài sự hồi hộp của công chúng, lôi kéo và thu hút khách hàng tập trung chờ đợi sự ra mắt của sản phẩm mới.

Sau đây là những gợi ý mà doanh nghiệp bạn có thể thực hiện nếu muốn sử dụng ý tưởng này cho chiến dịch PR thương hiệu:

  • Đảm bảo thứ bạn sắp công bố là thứ mọi người cảm thấy hào hứng và mong đợi. Ý tưởng này hiệu quả nhất khi áp dụng cho việc ra mắt các sản phẩm mới trong cùng một chuỗi sản phẩm/bộ sưu tập (Chẳng hạn như sự ra mắt của các đời Iphone liên tiếp).
  • Xác định ngày ra mắt sản phẩm và thông báo với công chúng ngày ra mắt.
  • Giới hạn số lượng. Việc này có khả năng sẽ tạo sự khao khát mạnh mẽ từ công chúng trong thời gian đầu.
Ngoài những ý tưởng trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số ý tưởng khác như: tài trợ các chương trình truyền hình, viết bản tin điện tử, cho phép người khác trộm ý tưởng, viết bài chuyên đề… 

Ý tưởng nào cũng có cái hay của nó. Người khác áp dụng ý tưởng A thành công, không có nghĩa là doanh nghiệp bạn cũng sẽ thành công khi áp dụng nó. Do đó, hãy tìm cho mình ý tưởng phù hợp nhất và bắt đầu lên kế hoạch cho nó từ bây giờ nếu bạn muốn thương hiệu của bạn có chỗ đứng trong lòng công chúng.

PR thương hiệu là việc làm tất yếu mà mỗi doanh nghiệp đều cần làm, đặc biệt là trong thời đại hiện nay. Hoạt động này giúp công chúng, đặc biệt là đối tác, nhà đầu tư, khách hàng có cái nhìn thiện cảm và tốt đẹp về doanh nghiệp và các sản phẩm của doanh nghiệp bạn. Từ đó, các hoạt động truyền thông, hoạt động kinh doanh và hoạt động phát triển doanh nghiệp sẽ được ủng hộ và được tiến hàng thuận lợi. Nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài, một trong những điều tất yếu mà doanh nghiệp bạn cần làm là thực hiện thành công các chiến dịch PR thương hiệu. Thông qua phần giới thiệu PR thương hiệu là gì, ý tưởng Pr thương hiệu hay, Chúng tôi hy vọng bạn đã hiểu được tầm quan trọng của PR thương hiệu trong hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, đồng thời tìm được cho mình một ý tưởng hay để bắt đầu chiến dịch PR thương hiệu ngay từ bây giờ.

Những câu hỏi thường gặp 

Ưu và nhược điểm của PR thương hiệu là gì?

Ưu điểm
– Mức độ tạo độ tin cậy cao.
– Phạm vi tiếp cận lớn.
– Chi phí thấp.
Nhược điểm
– Không có quyền tinh chỉnh trực tiếp.
– Khó đo lường mức độ thành công.

Khi có sự cố truyền thông, PR thương hiệu giúp được gì?

Một doanh nghiệp làm tốt công tác PR thương hiệu sẽ sở hữu một lượng công chúng quan tâm và ủng hộ mình. Mình vậy, khi có bất cứ sự cố/ khủng hoảng truyền thông nào nổ ra, nhóm đối tượng này sẽ đứng ra bênh vực và bảo vệ doanh nghiệp bạn trước tiên.

Điểm khác nhau giữa PR thương hiệu và quảng cáo là gì?

Quảng cáo
– Đối tượng hướng đến: khách hàng tiềm năng.
– Chi phí: thấp hơn quảng cáo.
– Mục đích: gia tăng sự nhận biết.
– Thời gian: ngắn, nhanh, bùng nổ, tạo dấu ấn tức thì.
PR thương hiệu
– Đối tượng hướng đến: công chúng.
– Chi phí: thấp hơn quảng cáo.
– Mục đích: gia tăng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
– Thời gian: lâu dài, tạo dấu ấn theo thời gian.

Điểm khác nhau giữa PR thương hiệu và Marketing là gì?

PR thương hiệu là một phần của Marketing. Mục tiêu của marketing là nhắm tới khách hàng tiềm và tập trung vào lợi nhuận. PR thương hiệu nhắm tới công chúng nhằm tăng độ uy tín của doanh nghiệp và tạo thiện cảm đối với công chúng.

Lê Ngọc Vang/webico